Thái Bình – Hiện thực hóa chủ trương thu hút đầu tư
17.10.22

Chia sẻ nội dung này

Trong gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, các cấp, ngành, địa phương luôn quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm hiện thực hóa chủ trương thu hút đầu tư, đưa Thái Bình bứt phá vươn lên đồng thời trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát huy hiệu quả các nguồn lực sẵn có

Là tỉnh đồng bằng ven biển, Thái Bình có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như: vị trí địa lý thuận lợi, địa hình bằng phẳng, giáp với Hải Phòng thuộc tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc; hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường biển thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế; nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, trong đó số lượng lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 64% số người trong độ tuổi lao động; có Trung tâm điện lực Thái Bình với quy mô công suất 1.800MW đã hòa lưới điện quốc gia, sẽ bảo đảm nhu cầu sử dụng điện cho Thái Bình và các địa phương lân cận; hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng, đặc biệt là với Hải Phòng ngày càng được hoàn thiện. Ngoài ra, Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.583ha nằm ở khu vực ven biển, có vị trí rất thuận lợi, cách Hải Phòng 35km, kết nối tới các nước trên thế giới thông qua sân bay Cát Bi và cảng quốc tế Lạch Huyện.

Phát huy những lợi thế đó, trong những năm qua, Thái Bình đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, từ đó đem lại diện mạo mới cho đô thị và các vùng quê nông thôn. Từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn khác với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 77.500 tỷ đồng, Thái Bình đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như: tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường tỉnh 454 từ Thái Bình đi cầu Tịnh Xuyên (huyện Hưng Hà) và đi phà Sa Cao (huyện Vũ Thư), đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đường thành phố Thái Bình đi cồn Vành và một số tuyến giao thông quan trọng khác.

Ông Vũ Văn Toản, chỉ huy thi công tuyến đường bộ ven biển, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh cho biết: Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài trên 43km. Ngoài 9km đã bàn giao xong mặt bằng và đang triển khai thi công giai đoạn 1, đoạn còn lại trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải đến nay đã thi công khuôn, nền đường được trên 25km. Công ty đang tập trung tối đa nhân lực, phương tiện để thi công tại các vị trí nút giao với quốc lộ 39, quốc lộ 37 thuộc huyện Thái Thụy và nút giao với đường tỉnh ĐT.458, đoạn qua cầu Lân 1, cầu Lân 2 và nút giao với đường 221A thuộc huyện Tiền Hải. Trong quá trình thi công, Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa của tỉnh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư. Đến ngày 30/6, dự án đã được giải ngân 100% kế hoạch vốn trung ương phân bổ năm 2022 với tổng số tiền 130 tỷ đồng.

Cùng với đó, Thái Bình còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Là khu công nghiệp đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp Liên Hà Thái có diện tích gần 600ha đã thu hút được 6 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư 471 triệu USD và hàng chục nhà đầu tư lớn nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.

Chú trọng thực hiện các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm

Để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh, Thái Bình đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh; Tổ công tác xúc tiến đầu tư từ Hàn Quốc – Korea Desk Thái Bình; Tổ công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; vận hành chính thức trang thông tin Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng zalo.

Ông Đặng Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh cho biết: Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động trang thông tin Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng zalo đã có khoảng 1.400 lượt doanh nghiệp quan tâm và có hơn 800 doanh nghiệp trực tiếp vào trang để tìm hiểu các thông tin liên quan đến đầu tư, môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…; đồng thời, đã có 50 kiến nghị của doanh nghiệp được gửi đến và đều được các cơ quan chức năng của tỉnh nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết.

Cùng với đó, tỉnh còn chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thành công hội nghị “Kết nối Thái Bình – Hàn Quốc”, từ đó nâng tầm quan hệ ngoại giao và thúc đẩy công tác thu hút đầu tư của tỉnh phát triển.

Ông Park Noh Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng và với các điều kiện tỉnh Thái Bình đang có cũng như trong tương lai khi các cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, khu liên hợp công nghiệp, công nghệ cao quy mô lớn được hoàn thiện và lao động chất lượng cao được cung ứng thì các công ty Hàn Quốc sẽ mở rộng gia nhập thị trường và đầu tư nhiều hơn vào Thái Bình. Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh đã tổ chức đón tiếp, làm việc với một số đoàn công tác đến nghiên cứu đầu tư tại Thái Bình như Tập đoàn Compal (Đài Loan); đoàn công tác Đại sứ quán Hàn Quốc, đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam; liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted…

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra mục tiêu đến năm 2025 Thái Bình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu đó không còn xa khi chỉ trong gần 2 năm đầu thực hiện, bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả, đặc biệt là trong thu hút đầu tư đã đem lại bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh tăng 6,68% so với năm 2020, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước; 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,49%, đứng thứ 12 cả nước và đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng; tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ đô thị hóa hàng năm luôn ở mức 2 con số.

Đến hết tháng 7/2022

Toàn tỉnh có 55 dự án đầu tư được chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 15.445,4 tỷ đồng, gấp 2,2 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ 2021;
Thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 713 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 6.949,9 tỷ đồng, tăng 35,8% về số lượng và tăng 45,1% về vốn đăng ký; 240 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2021;
Toàn tỉnh có trên 1.000 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 130.000 tỷ đồng, trong đó có trên 90 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 1 tỷ USD.

Nguồn: Baothaibinh.com.vn

Eden Garden
Đăng ký
nhận thông tin